Một 'gia đình' nhà… mèo diện áo xanh điểm hoa, điểm cá quấn quýt. Một chú mèo khoác bộ lông mượt như nhung, vàng như tơ, bâng quơ cuộn tròn.
Một thiếu nữ buông mái tóc dài thảnh thơi ngả lưng nhấc bổng mèo cưng. Một anh em nhà mèo bá vai thân thương. Những đôi tình nhân… mèo hồng, mèo vàng ngả đầu tình tự…
Ơ kìa… “Mèo du Xuân” với muôn sắc thái, từ nhẹ nhàng, tinh tế, điệu đàng đến sần sùi, góc cạnh… đã hiện diện tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong triển lãm cùng tên được giám tuyển Tống Diệu Hằng chọn lựa và giới thiệu đến công chúng ngay trước thềm xuân Quý Mão 2023.
Và, không gian này còn thoảng chút sắc hương của cảnh xuân với những chấm phá của đôi ba bức tranh phong cảnh, tĩnh vật, chân dung như ngôi nhà thấp thoáng trong sương khói, núi non xanh thẳm, đóa hoa khiêm nhường, bình dị và đôi ba bức chân dung thiếu nữ kiều diễm…
“Tôi đã dành nhiều thời gian và tâm sức cho triển lãm này, từ việc mời được đủ nghệ sĩ đại diện cho các thế hệ cũng như lựa chọn tác phẩm gần gũi, thân thương để đưa công chúng trở về với miền ký ức Tết xưa… Từ không gian xinh xắn, đáng yêu này tôi muốn gửi lời chúc bằng nghệ thuật, bằng cái đẹp của nghệ sĩ đến công chúng, cùng mong ước về một mùa xuân hạnh phúc và thành công” - Giám tuyển Tống Diệu Hằng.
Thật thú vị khi những cô, chú, gia đình… mèo du Xuân ấy không chỉ là tác phẩm thuộc sở hữu của các họa sĩ chuyên nghiệp như Đỗ Dũng, Lê Đình Nguyên, Hoàng Phương Liên, Nguyễn Hồng Phương, Lê Thiết Cương, Hồng Việt Dũng, Đào Hải Phong, Bình Nhi, Trần Giang Nam, Nguyễn Quốc Thắng, Doãn Hoàng Lâm, Phạm Trần Quân, Nguyễn Minh, Vương Linh…
Chúng còn là những đứa con tinh thần của các văn nghệ sĩ như nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nhà văn Hữu Ước, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Chu Hồng Tiến… Bởi vậy, những tác phẩm ấy sẽ điểm một số đường nét, màu sắc, chi tiết có thể chưa thực sự chuẩn chỉnh, bài bản nhưng lại ăm ắp tâm hồn phóng khoáng và cảm xúc thơ ca, nhạc họa.
Đó cũng là lợi thế để các nghệ sĩ đem đến cho “Mèo du Xuân” sự mới lạ, khác biệt trong tác phẩm, từ đây công chúng hiểu hơn và thấy rõ sức lao động sáng tạo nghệ thuật thật đáng trân trọng.
Hơn nữa, dễ dàng nhận thấy gần 100 tác phẩm… “Mèo du Xuân” không bị bó hẹp trong chất liệu thể hiện khi bên cạnh những tranh (sơn dầu, sơn mài, lụa, bột màu, xé giấy…) còn là các tác phẩm điêu khắc, gốm Phù Lãng, gốm Hương Canh, khắc gỗ… Chính sự phong phú về chất liệu đã đem đến sự sinh động, dễ thương, đáng yêu, mỗi kiểu, mỗi vẻ của các tác phẩm - gần như không “đụng hàng”.
Đó cũng là cách chiều lòng khách tham quan ngay từ việc chọn lựa, bố cục, sắp cho triển lãm của giám tuyển Tống Diệu Hằng, để mỗi người có thể dừng bước thưởng lãm tranh hay tượng gốm, điêu khắc… theo sở thích của mình.
Là người từng thành công trong vai trò giám tuyển của triển lãm “Gặp gỡ Đà Lạt”, vậy nên không quá bất ngờ khi Tống Diệu Hằng được giới chuyên môn đánh giá cao khi tiếp tục giữ vai trò này ở triển lãm “Mèo du Xuân”.
Cô cũng nhận được sự tin tưởng của công chúng nên dù triển lãm được trưng bày trong những ngày mưa lạnh mà vẫn thu hút được đông đảo khách tham quan. Đặc biệt, khi về Việt Nam dịp này, NSND Đặng Thái Sơn đã đến cắt băng khai mạc và dành cho giám tuyển lời khen về sự chu đáo để đem đến một không gian nghệ thuật sinh động, đặc sắc.
Cùng với vẻ đẹp lung linh và rạng rỡ, “Mèo du Xuân” còn đem đến sự nhỏ xinh, vừa vặn để ai vừa mắt tác phẩm nào cũng có thể đặt hàng và mang về trang trí trong phòng khách hay đặt ngay trên bàn làm việc của mình.
Nhiều tác phẩm điêu khắc, gốm, khắc gỗ… chế tác, tạo hình, sơn vẽ có khi bắt trọn vẹn hình dáng những chú, cô mèo, song cũng có khi chỉ là đôi nét chấm phá đôi mắt, bộ ria, cái mồm song khá bắt mắt, tiện lợi và mang tính ứng dụng cao.
Chẳng hạn, một tượng gốm Phù Lãng có chú mèo gắn liền với bình hoa cũng có thể đặt nơi phòng khách và cắm vào đó những bông lay ơn đỏ thắm. Một cái ống màu đồng có khắc khuôn mặt mèo được gò cuộn tròn có thể đặt trong tủ kính hoặc trong phòng làm việc.
Và rất nhiều những chú mèo, cô mèo nhỏ bé phù hợp để nâng niu trên tay rồi trở thành cái chặn giấy trang sách, trang vở… Khi đó, chúng không chỉ được dịp tụ hội tại không gian này để công chúng thưởng lãm mà ngay khi triển lãm khép lại còn có thể bước ra ngoài, theo chân chủ nhân mới để đến những không gian mới, bầu trời mới như phòng khách, phòng làm việc của một gia đình, cơ quan công sở, nhà hàng, khách sạn… Cứ thế, “Mèo du Xuân” và… du Xuân…